Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
64.000 TỶ ĐỒNG GIẢM THUẾ, PHÍ, LỆ PHÍ TRONG NĂM 2022
Theo dự thảo Nghị quyết, tổng giá trị các chính sách trong chương trình là gần 350.000 tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp tài khóa sẽ có tổng quy mô khoảng 291.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 240.000 tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế, phí, lệ phí là 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 (chưa tính đến tác động tích cực của Chương trình đến khả năng tăng thu ngân sách Nhà nước) và chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển.
Trong 64.000 tỷ đồng giảm thuế, phí, lệ phí, sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức 10% trong năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển là viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất.
Ngoài ra, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với khoản đóng góp bằng
Trong 176.000 tỷ đồng chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, 14.000 tỷ đồng được dành cho phòng, chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương là 14.000 tỷ đồng; 5.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất và 2.000 tỷ đồng phí quản lý để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; 3.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn; 3.150 tỷ đồng đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra còn chi 103.164 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông; 5.686 tỷ đồng cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số; 5.000 tỷ đồng cho hạ tầng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.