Ngân hàng trung ương là gì? Ngân hàng trung ương và ngân hàng nhà nước khác nhau như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Glints sẽ giúp bạn hiểu hơn về khái niệm, chức năng của ngân hàng trung ương, cũng như vai trò mà cơ quan này đảm nhận.
Ngân hàng trung ương là gì?
Ngân hàng trung ương là một cơ quan của nhà nước có trách nhiệm quản lý hệ thống tiền tệ của một quốc gia.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ phát hành giấy bạc, và thực hiện chức năng quản lý tiền tệ (ổn định giá trị của tiền tệ, nguồn cung tiền, kiểm soát lãi suất, giúp các ngân hàng thương mại thoát khỏi nguy cơ sụp đổ).
Chức năng của ngân hàng trung ương
Phát hành tiền tệ
Phát hành tiền tệ được xem là chức năng của ngân hàng trung ương cơ bản và quan trọng nhất. Đây là cơ quan duy nhất có quyền thực hiện chức năng này tại phần lớn các quốc gia. Ngân hàng trung ương đơn vị duy nhất phát hành tiền giấy, còn các loại tiền bổ trợ sẽ do Chính phủ ban hành.
Ngân hàng của các ngân hàng
Ngân hàng trung ương thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng với đối các ngân hàng trung gian, trong đó bao gồm:
- Nhận tiền gửi của các ngân hàng trung gian dưới hình thức tiền gửi thanh toán và tiền gửi bắt buộc. Trong đó, tiền gửi bắt buộc là khoản tiền mà các ngân hàng trung gian được yêu cầu phải gửi lại nhằm đảm bảo khả năng chi trả của ngân hàng trung gian trước nhu cầu rút tiền từ khách hàng của họ. Còn tiền gửi thanh toán là khoản tiền mà các ngân hàng trung gian cần gửi thường xuyên với mục đích phục vụ nhu cầu thanh toán, và đảm bảo nhu cầu giao dịch với ngân hàng nhà nước và chi trả cho các ngân hàng thương mại khác.
- Cấp tín dụng cho ngân hàng trung gian bằng việc tái chiết khấu chứng từ có giá ngắn hạn. Nói cách khác, đây là một hình thức cấp vốn cho ngân hàng trung gian trong việc mở rộng hoạt động tín dụng. Ngân hàng nhà nước đóng vai trò bảo vệ các ngân hàng trung gian khỏi nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, cơ quan này còn là trung tâm thanh toán, bù trừ tiết kiệm chi phí thanh toán và luân chuyển vốn cho các ngân hàng và nền kinh tế.
Ngân hàng của chính phủ
Tại một số quốc gia, ngân hàng trung ương có vai trò quản lý tiền của chính phủ. Tại Việt Nam, trách nhiệm này được đảm nhận bởi Kho bạc Nhà nước.
Ngân hàng trung ương có vai trò quan trọng thế nào?
Tại nhiều quốc gia, ngân hàng trung ương hoạt động độc lập với Chính phủ. Trong khi đó tại Việt Nam, “Ngân hàng Trung ương của nước CHXHCN Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thuộc sở hữu của Nhà nước đồng thời là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do đó không độc lập về pháp lý” – Điều này được nêu rõ trong Nghị định 156.

Do đó, ngân hàng trung ương của Việt Nam là một cơ quan thuộc Chính phủ, không độc lập như các quốc gia khác.
Phân biệt ngân hàng trung ương và ngân hàng nhà nước
Trên thực tế, ngân hàng trung ương còn được gọi là ngân hàng nhà nước. Do đó, không có sự khác biệt giữa hai khái niệm này.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại có những điểm khác nhau rất lớn.
Ngân hàng trung ương | Ngân hàng thương mại |
– Cấp ngân hàng cao nhất tại nước ta. – Có quyền phát hành tiền tệ. – Giao dịch với chính phủ, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại. – Thực hiện chức năng quản lý tiền tệ và hoạt động của ngân hàng thương mại. – Ngân hàng nhà nước thuộc quyền sở hữu của Chính phủ và là cơ quan trực thuộc Chính phủ. |
– Ngân hàng cấp 2 trong hệ thống ngân hàng. – Không có quyền phát hành tiền tệ. – Giao dịch với người dân, tổ chức/doanh nghiệp. – Kinh doanh tiền tệ nhằm mục đích thu lợi nhuận cho tổ chức. – Được quản lý bởi chính phủ hoặc tổ chức tư nhân. – Mọi hoạt động của cơ quan này phải tuân theo chỉ thị và chính sách của ngân hàng nhà nước. |
Cơ hội làm việc tại ngân hàng trung ương
Các ứng viên mong muốn làm việc tại ngân hàng trung ương cần đăng ký dự tuyển ngân hàng nhà nước. Các thí sinh sau khi vượt qua vòng hồ sơ sẽ bước vào vòng thi tuyển trực tiếp với các bài thi (thi viết), trong đó bao gồm: môn thi kiến thức chung, môn thi chuyên ngành; và ngoại ngữ.

Việc làm tại ngân hàng là từ khóa rất phổ biến hiện nay. Tại Glints bạn có thể tìm kiếm rất nhiều cơ hội việc làm các ngân hàng khác nhau, cũng như các ngành nghề tiềm năng khác.
Các vị trí phổ biến trong ngân hàng có thể kể đến như: Giao dịch viên; chuyên viên phân tích tài chính; chuyên viên thanh toán quốc tế; v.v.
Chức năng Ngân hàng Trung ương Việt Nam
Cụ thể, theo Nghị định mới, NHNN là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của NHNN.
Ngoài các nhiệm vụ như trước đây, NHNN được mở rộng nhiệm vụ và quyền hạn. Cụ thể, NHNN có thêm nhiệm vụ xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm: Tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Về quản lý ngoại hối, NHNN có thêm quyền mua bán ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Về phòng chống rửa tiền, NHNN trở thành đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rửa tiền. Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Chủ trì lập, theo dõi, dự báo và phân tích kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam…
Đặc biệt, Nghị định cũng quy định quyền hạn của NHNN trong xử lý các ngân hàng yếu kém và trong trường hợp hệ thống ngân hàng gặp rủi ro. Cụ thể, NHNN quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng, gồm mua cổ phần của TCTD; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của TCTD; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể TCTD; đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật về phá sản đối với TCTD.
Về nhiệm vụ ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính, NHNN tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình tiền tệ, tài chính; đề xuất các biện pháp ngăn ngừa rủi ro có tính hệ thống trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; Xây dựng chính sách, biện pháp ứng phó với khủng hoảng, đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng, tài chính.
NHNN còn là đại diện cho Việt Nam, Chính phủ Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư quốc tế (IIB), Ngân hàng Hợp tác kinh tế quốc tế (IBEC) và các tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế khác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/12/2013, thay thế Nghị định 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008.
Như vậy, từ 26/12 tới, Việt Nam chính thức có một Ngân hàng Trung ương hoạt động độc lập, tự chủ giống như các nước trên thế giới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng Trung ương là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cho các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh trong khuôn khổ luật pháp.
